Anh sinh viên “i-tờ” trên đất Nga…
Không ai muốn rời xa quê cha đất mẹ, rời xa nơi chôn nhau cắt rốn, nơi những người thân yêu đang trông đợi từng ngày. Những ai từng làm việc ở xứ người hẳn sẽ có những buổi chiều buồn man mác, có những đêm không ngủ vì nhớ nhà, mắt ướt, lệ nhòa vì nhớ mẹ cha. Khi mà cách trở về thời gian và không gian tăng lên gấp bội thì nỗi nhớ ấy sẽ đi vào tiềm thức và thôi thúc con người ta tìm về quê hương. Đó là cơ hội cho chất xám lại trở về nguồn.
Sang LB Nga từ năm 1990, Nguyễn Anh Tú theo học chuyên ngành Ngữ văn và Văn học Nga tại trường Đại học TH Gomel, Belarus. Sau khi tốt nghiệp, anh theo học tiếp văn bằng 2, chuyên ngành Quản trị Doanh nghiệp cũng tại trường này. Tốt nghiệp năm 2000 cũng vừa tròn 10 năm theo học tại Nga, khi đó, Việt Nam (VN) đã thay đổi nhiều và nước Nga cũng không còn như xưa, anh không trở về VN mà ở lại Nga làm việc cho báo “Tin tức & Thị trường" - tờ báo của cộng đồng người Việt tại Moscow.
Với vai trò là người phụ trách tờ báo, anh đã dành nhiều tâm sức và nhiệt huyết của mình cho các hoạt động xã hội, hỗ trợ công tác sinh viên và hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Từng làm công tác sinh viên nhiều năm, nay lại làm việc ở một trung tâm thông tin của người Việt ở nước ngoài, cuộc đời dường như đã trao cho anh cái định mệnh “vác tù và hàng tổng”, người “giữ thông tin” giữa thời đại công nghệ số. Suốt thời gian từ đây trở về sau, bạn bè và người quen thường bắt gặp thông tin của anh ở đâu đó trong công tác hỗ trợ cộng đồng, trong các chương trình kết nối cộng đồng người Việt ở Nga với người Việt trong nước, trong những chuyến tìm người thân đang lưu lạc ở nước ngoài, hoặc hỗ trợ và bảo vệ lưu học sinh VN gặp hoạn nạn.
Trong điều kiện công việc đòi hỏi cần có một công cụ kết nối thông tin, giải quyết nhu cầu tin tức trong cộng đồng người Việt ở nước sở tại, dù không học chuyên ngành về công nghệ thông tin, kiến thức tin học (IT) mới chỉ bập bẹ như trẻ đánh vần từng chữ “I-TỜ”, nhưng sẵn niềm đam mê công nghệ và năng khiếu về lập trình, anh đã tự mình tìm tòi và cùng cộng đồng xây dựng nên website xunguoi.com (Xứ Người), nơi kết nối và chia sẻ thông tin của hàng ngàn du học sinh nước ngoài với thanh niên trong nước.
Website từ một cầu nối để mọi người giao lưu bỗng khơi dậy nhu cầu và xu hướng công nghệ, mọi người đều mong muốn có công cụ xây dựng và quản lý website phục vụ các nhu cầu thông tin cho các hoạt động giải trí cũng như trong công việc. Vậy là sau cả ngày dài với công việc, Nguyễn Anh Tú lại thức trắng đêm cùng những thành viên diễn đàn Xứ Người nghiên cứu và cải tiến các tính năng của hệ thống quản trị nội dung PHP-Nuke đang được sử dụng để vận hành website này.
Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội Khuyến học VN
Nguyễn Mạnh Cầm, (thứ hai, bên trái) chúc mừng Nguyễn Anh Tú (bìa trái)
và nhóm tác giả NukeViet
|
… trở thành Nhân tài “ai-ti” đất Việt
Sau mỗi nghiên cứu và cải tiến, thử nghiệm thành công, bộ phần mềm quản lý website ấy lại được chia sẻ cho những người có nhu cầu sử dụng. Nhờ sự động viên cùng những đóng góp xây dựng của cộng đồng, một phần mềm quản trị nội dung dành cho người Việt đã ra đời với cái tên NukeViet. Phát hành dưới giấy phép mã nguồn mở tự do, NukeViet không đơn thuần là một sản phẩm “Việt hóa”, được cải tiến và đưa vào nhiều tính năng mới, nó trở thành một phần mềm mang hồn Việt một cách rất đặc trưng.
Sự ra đời của NukeViet đã thỏa mãn nhu cầu thông tin của người Việt trong thời gian đó. Nhu cầu sở hữu và triển khai phần mềm này ngày càng tăng cao trong nước đã khiến cho diễn đàn Xứ Người quá tải đến mức không thể duy trì và buộc anh Tú phải đóng cửa diễn đàn này. NukeViet được giao phó cho một doanh nghiệp trong nước phát triển, nhưng những mâu thuẫn trong quá trình triển khai đã khiến việc phát triển NukeViet đình trệ.
Kết thúc công việc phụ trách tờ báo, Anh Tú tiếp tục tham gia tích cực trong Hội người Việt tại Nga với vai trò là Chánh văn phòng Hội nhiệm kỳ 2004-2008. Tưởng chừng phần mềm NukeViet nổi tiếng năm nào sẽ đi vào quên lãng, nhưng duyên số của Anh Tú với NukeViet và cộng đồng công nghệ thông tin vẫn chưa hết. Trong thời gian này, để gửi những bản tin tới mọi người một cách nhanh chóng và cập nhật đòi hỏi một hệ thống tác nghiệp báo chí chuyên nghiệp, có khả năng cập nhật và tổng hợp tin tức tức thời. Cổng thông tin điện tử cho Hội người Việt tại Nga (hoinguoiviet.ru) đã được anh Tú cho ra đời từ chính sản phẩm mã nguồn mở NukeViet, và NukeViet lại có động lực lớn để tiếp tục được phát triển. Cùng với nhóm phát triển trong và ngoài nước, cùng với lòng nhiệt huyết và đam mê của các thành viên trên diễn đàn, NukeViet tiếp tục được duy trì. Trong thời gian này, hàng ngàn tâm tư, tình cảm, những động viên, chia sẻ cùng khát khao trí tuệ về một sản phẩm mã nguồn mở mang thương hiệu Việt đã liên tục được gửi gắm trên website hỗ trợ người sử dụng NukeViet ở địa chỉ
www.nukeviet.vn
Sau nhiều trăn trở cùng những người bạn ở trong nước - những thành viên tâm huyết với NukeViet - Anh Tú quyết định về nước gặp gỡ, trao đổi tìm lối đi cho NukeViet. Khi đó là cuối năm 2009. Quyết định thành lập doanh nghiệp để chuyên nghiệp hóa việc phát triển mã nguồn mở NukeViet nhận được sự đồng thuận của mọi người. Anh Tú sau đó lại trở về công việc của mình ở Nga (khi đó là Chánh Văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp VN tại Nga nhiệm kỳ 2008-2011). Doanh nghiệp được giao cho các thành viên trong nước điều hành, một doanh nghiệp “quốc tế hóa”, hoàn toàn làm việc online đã ra đời đầu năm 2010 và khi đó Đài tiếng nói VN phát đi một bản tin ngắn gọn, thông báo với cộng đồng một doanh nghiệp 100% mã nguồn mở đầu tiên của VN ra đời.
Suốt một năm sau đó, thông qua internet, Anh Tú cùng những cộng sự của mình ở trong nước làm việc ngày đêm để hoàn thiện và cho ra mắt một sản phẩm ứng dụng những công nghệ web tiên tiến nhất trên thế giới, nhưng do người Việt sở hữu và phát triển 100%, đó là phiên bản NukeViet 3.0, chính thức phát hành đầu tháng 10 năm 2010. Để đóng góp cho sự phát triển công nghệ thông tin nước nhà một cách tốt nhất, sản phẩm này được phát hành hoàn toàn miễn phí theo giấy phép mã nguồn mở – cho phép mọi người có quyền sử dụng tự do và cùng đóng góp phát triển phần mềm.
Sau một năm phát hành, phần mềm đã nhận được nhiều đơn đặt hàng của các cá nhân, cơ quan trong nước và tổ chức nước ngoài, được hơn 2000 website sử dụng, hiện phục vụ hàng triệu người truy cập mỗi ngày. Bằng việc chia sẻ tri thức, xây dựng lòng đam mê công nghệ cho giới trẻ, giúp doanh nghiệp phát triển phần mềm web dễ dàng sở hữu và làm chủ công nghệ…, từ một phần mềm phục vụ nhu cầu về tìm hiểu thông tin của người Việt tại Nga, NukeViet đã vươn lên có nhiều đóng góp về mặt kinh tế, xã hội, góp phần xây dựng và củng cố an ninh thông tin nước nhà. Và những thành quả đó của Anh Tú và cộng sự đã được ghi nhận bằng việc Hội đồng Giám khảo giải thưởng Nhân tài đất Việt 2011 đã quyết định trao giải cao nhất Giải ba (không có giải nhất, giải nhì) cho sản phẩm mã nguồn mở NukeViet của Công ty cổ phần phát triển nguồn mở VN.
Đây có lẽ là nguồn động viên vô giá đối với những đóng góp của trí tuệ VN cho công nghệ thông tin nước nhà. Đặc biệt là cho sự đóng góp nỗ lực của tác giả NukeViet, người đã từ bỏ công việc của mình xây dựng trong gần 20 năm ở Nga trở về VN theo đuổi ước mơ và đam mê công nghệ thông tin của mình. Từ một anh sinh viên “i-tờ” nay đã trở thành nhân tài “AI-TI” Đất Việt, là trái ngọt mà Nguyễn Anh Tú xứng đáng được nhận cho những nỗ lực, đam mê của mình.
Dám đam mê, dám ước mơ, không ngại vượt qua khó khăn, gian khổ và sự chờ đợi để có thể “về nguồn”, từng dòng chất xám đã bị coi là chảy máu trong thế hệ trước đã và đang tuần hoàn về quê mẹ. Nó cho chúng ta thấy một cái nhìn khác về hiện tượng bị coi là “chảy máu chất xám”.