QC tai nhanh HSMT

Tổng giám đốc VINADES tham gia Tọa đàm “Đào tạo nhân lực chất lượng cao: Xung lực từ Nghị quyết 57”

Thứ năm, 20 Tháng Ba 2025 5:27 SA
Ngày 15/03/2025, tại buổi tọa đàm "Đào tạo nhân lực chất lượng cao: Xung lực từ Nghị quyết 57" do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Nguồn mở Việt Nam (VINADES) Nguyễn Thế Hùng đã đóng góp nhiều quan điểm đáng chú ý về thực trạng và giải pháp trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực Việt Nam.
Tổng giám đốc VINADES tham gia Tọa đàm “Đào tạo nhân lực chất lượng cao: Xung lực từ Nghị quyết 57”

Về tọa đàm “Đào tạo nhân lực chất lượng cao: Xung lực từ Nghị quyết 57”

Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW nhằm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết này không chỉ định hướng mà còn thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ, giúp Việt Nam tận dụng cơ hội và ứng phó với thách thức trong kỷ nguyên số. Một trong những trọng tâm chiến lược của Nghị quyết là đẩy mạnh giáo dục và đào tạo nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ tiên tiến.

Bảo đảm đội ngũ nhân lực trình độ cao không chỉ là trách nhiệm của ngành giáo dục mà còn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách, nguồn lực và các bên liên quan. Nhằm hiện thực hóa nhanh chóng các quyết sách đột phá của Nghị quyết 57, tại Kỳ họp bất thường vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 193/2025/QH15, thí điểm một số chính sách để tháo gỡ rào cản trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Tọa đàm “Đào tạo nhân lực chất lượng cao: Xung lực từ Nghị quyết 57”

Để làm rõ ý nghĩa và tác động của Nghị quyết 57 và Nghị quyết 193 đối với công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao, Báo Đại Biểu Nhân Dân tổ chức tọa đàm “Đào tạo nhân lực chất lượng cao: Xung lực từ Nghị quyết 57”. Sự kiện nhằm lắng nghe ý kiến đóng góp, đề xuất giải pháp để các quyết sách này được triển khai hiệu quả trong thực tiễn giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của đất nước.

Có 7 khách mời tham gia tọa đàm là: TS. Nguyễn Thị Mai Hoa (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội), PGS.TS Nguyễn Anh Dũng (Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo), GS.TS. Chử Đức Trình (Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội), PGS.TS. Đặng Hoài Bắc (Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông), TS. Lê Trường Tùng (Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học FPT), PGS.TS. Nguyễn Phú Khánh (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa) và đặc biệt, còn có sự góp mặt của anh Nguyễn Thế Hùng - Tổng giám đốc Công ty VINADES.

Những lợi thế và hạn chế của nguồn nhân lực Việt Nam

Tại buổi tọa đàm, anh Nguyễn Thế Hùng đã chỉ rõ những lợi thế và hạn chế đối với nguồn nhân lực tại Việt Nam, cụ thể:

Những lợi thế đáng ghi nhận

Trong bài phát biểu của mình, anh Nguyễn Thế Hùng khẳng định rằng nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay sở hữu nhiều lợi thế đáng chú ý. Trước hết, anh nhấn mạnh lực lượng lao động trẻ trung và năng động chính là nền tảng quan trọng thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới trong nhiều lĩnh vực, từ công nghệ thông tin đến khoa học kỹ thuật. Đây là yếu tố giúp Việt Nam duy trì sức hút đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, anh Hùng nhận định chất lượng đào tạo cơ bản, đặc biệt ở bậc đại học, đã có sự cải thiện rõ rệt trong những năm gần đây. Điều này tạo ra một đội ngũ nhân sự có trình độ và kiến thức nền tảng vững chắc, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của thị trường lao động hiện đại. Đặc biệt, trong ngành công nghệ cao, nguồn nhân lực Việt Nam không chỉ đạt chất lượng tương đối tốt mà còn được đánh giá cao về tính cạnh tranh chi phí so với nhiều quốc gia khác. Dù lợi thế này đang dần thu hẹp, anh Hùng cho rằng đây vẫn là cơ hội quý giá để các doanh nghiệp trong nước và quốc tế khai thác hiệu quả.

Anh Nguyễn Thế Hùng - Tổng giám đốc VINADES tham gia buổi Tọa đàm (Nguồn ảnh: daibieunhandan.vn)

Nhiều hạn chế cần khắc phục

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, anh Nguyễn Thế Hùng thẳng thắn chỉ ra rằng nguồn nhân lực Việt Nam còn nhiều hạn chế cần được khắc phục để đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Những hạn chế này không chỉ là thách thức đối với các doanh nghiệp mà còn đặt ra bài toán lớn cho hệ thống giáo dục và chính sách phát triển nhân lực.

04 hạn chế anh Nguyễn Thế Hùng chỉ rõ về nguồn nhân lực tại Việt Nam

Sau đây là những hạn chế về nguồn nhân lực được anh Hùng nêu rõ:

  1. Sự thiếu hụt kỹ năng thực tiễn của các cử nhân mới tốt nghiệp đại học: Dù nhiều trường đã xây dựng chương trình đào tạo bài bản, nhân lực chất lượng cao thường bị các tập đoàn lớn hoặc doanh nghiệp nước ngoài “hút” ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Điều này khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn nhân sự giỏi, tạo ra sự chênh lệch trong phân bổ lao động.

  2. Vấn đề kỹ năng mềm và tư duy sáng tạo của nhân lực Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập: Khi gia nhập doanh nghiệp, nhiều lao động cần được đào tạo lại các kỹ năng cơ bản như viết email, thiết kế slide, giao tiếp hay báo cáo công việc. Thậm chí, những kỹ năng đã phổ cập từ hơn 20 năm trước như Tin học Văn phòng hay sử dụng thiết bị văn phòng vẫn chưa được nhiều người thành thạo. Điều này cho thấy chất lượng kỹ năng chưa đồng đều và chưa đáp ứng kỳ vọng của thị trường lao động hiện đại.

  3. Khả năng ngoại ngữ của nhân lực Việt Nam là một điểm yếu đáng lo ngại: Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường xuyên gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự có trình độ ngoại ngữ tốt, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh quốc tế và hiệu quả hợp tác với đối tác nước ngoài. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, đây là rào cản lớn cần được giải quyết.

  4. Khoảng cách về công nghệ tiên tiến giữa Việt Nam và các quốc gia phát triển vẫn còn khá lớn: Anh Hùng đặc biệt nhấn mạnh đến tốc độ phát triển vượt bậc của các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ mới, trong khi nhân lực Việt Nam đang gặp khó khăn để bắt kịp xu thế toàn cầu. Lấy ví dụ từ lĩnh vực nguồn mở – một thước đo quan trọng về khả năng làm chủ công nghệ – anh Hùng cho rằng Việt Nam hiện chủ yếu dừng lại ở mức ứng dụng và sử dụng các thành quả sẵn có, thay vì phát triển hoặc sáng tạo các giải pháp công nghệ mới.

Giải pháp thúc đẩy phát triển nhân lực chất lượng cao

Nhận định Nghị quyết 57-NQ/TW là luồng gió mới cho công cuộc phát triển nhân lực chất lượng cao, anh Hùng đề xuất một số giải pháp cụ thể nhằm tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục. Anh nhấn mạnh rằng nguồn lực doanh nghiệp, đặc biệt là thế hệ doanh nhân mới, là tài sản quý giá cần được khai thác hiệu quả.

03 giải pháp anh Nguyễn Thế Hùng đưa ra để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam

Dưới đây là một số giải pháp anh Hùng đưa ra trong buổi tọa đàm:

  1. Tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục trong việc định hướng nghề nghiệp từ sớm, thậm chí từ cấp phổ thông. Điều này không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho học sinh, sinh viên mà còn xây dựng mối liên kết bền vững giữa hai bên.

  2. Doanh nghiệp và trường học cùng thiết kế chương trình đào tạo để đảm bảo sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể đáp ứng ngay nhu cầu thực tế, giảm thiểu chi phí và thời gian đào tạo. Đồng thời, các trường đại học cần chủ động khảo sát nhu cầu doanh nghiệp để xây dựng các khóa học ngắn hạn phù hợp.

  3. Thúc đẩy các chương trình đổi mới sáng tạo và nghiên cứu trong nhà trường, lấy ví dụ từ những mô hình thành công như Trường Đại học Phenikaa. Đặc biệt, anh nhấn mạnh việc đào tạo chuyên sâu về phần mềm nguồn mở cần được triển khai mạnh mẽ hơn trong hệ thống giáo dục, từ phổ thông đến đại học, nhằm xây dựng nền tảng công nghệ vững chắc cho tương lai.

Ngoài ra, tại chương trình "CÔNG NGHỆ KIẾN TẠO: DOANH NGHIỆP VIỆT LÀM CHỦ CÔNG NGHỆ SỐ" phát sóng lúc 21h30' ngày 18/01/2025 trên kênh VTV2, anh Hùng cũng có những trao đổi cụ thể về Nghị quyết 57, quý doanh nghiệp xem chi tiết TẠI ĐÂY.

Buổi tọa đàm "Đào tạo nhân lực chất lượng cao: Xung lực từ Nghị quyết 57" đã mang đến nhiều góc nhìn quan trọng về vấn đề đào tạo nhân lực tại Việt Nam. Những chia sẻ của anh Nguyễn Thế Hùng không chỉ giúp làm rõ vai trò của công nghệ và nguồn mở trong giáo dục mà còn mở ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, nhà trường và các chính sách hỗ trợ từ chính phủ, Việt Nam hoàn toàn có thể từng bước xây dựng một đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời đại số.

Để biết thêm thông tin chi tiết về phần mềm nguồn mở và dữ liệu mở, quý doanh nghiệp vui lòng liên hệ qua:

Tác giả: Linh Hồ Thị

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

QC tai nhanh HSMT
Bạn đã không sử dụng site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây