Cần một cơ quan chuyên trách để hỗ trợ các DN cung cấp phần mềm nguồn mở. |
Doanh nghiệp cung cấp PMNM: “Than” thiếu sự hỗ trợ
ICTnews - Dù Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản nhằm “kích” ứng dụng PMNM trong cộng đồng nhưng lại chưa có nhiều động thái hỗ trợ phát triển, phối hợp với các doanh nghiệp trong phát triển PMNM.
Tại Hội thảo “Thúc đẩy ứng dụng và phát triển PMNM” do Bộ TT&TT vừa tổ chức mới đây, nhận định của Vụ CNTT (Bộ TT&TT) cho thấy khoảng 6 năm trở lại đây, Nhà nước đã có nhiều văn bản, quyết định thể hiện quyết tâm đưa PMNM vào ứng dụng trong cộng đồng. Có thể kể đến hàng loạt văn bản như Quyết định số 235/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án tổng thể “Ứng dụng và phát triển PMNM ở Việt Nam giai đoạn 2004-2008” (trong đó nhằm nâng cao nhận thức, khả năng ứng dụng của cộng đồng về ích lợi của các PMNM); Quyết định 169/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về mua sắm sản phẩm CNTT sử dụng vốn ngân sách Nhà nước (trong đó nêu rõ ưu tiên mua sắm sản phẩm PMNM), Quyết định 08/2007/QĐ-BTTTT ban hành danh mục sản phẩm PMNM đáp ứng nhu cầu sử dụng trong cơ quan nhà nước (gồm 4 phần mềm OpenOffice, Firefox, Thunderbird, Unikey), Chỉ thị 07/2008/CT-BTTTT ngày 30/12/2008 về đẩy mạnh sử dụng PMNM trong hoạt động của cơ quan, tổ chức nhà nước…
Tuy nhiên, đánh giá của đại diện một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực PMNM lại cho rằng cho dù Chính phủ đã khẳng định quyết tâm cao thông qua các Quyết định, Chỉ thị như đã nêu, nhưng lại chưa thực sự quan tâm, hỗ trợ cũng như phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để cùng “kích” ứng dụng PMNM trong nước.
Cụ thể, những năm qua tại Việt Nam cũng đã có một số doanh nghiệp tham gia Việt hóa các PMNM (như Asianux) hay có phần mềm do chính người Việt phát triển với mã nguồn được viết mới hoàn toàn (như NukeViệt), đồng thời bước đầu tại Việt Nam đã hình thành cộng đồng nguồn mở như Hanoilug, Vietlug... Thế nhưng, hoạt động của các doanh nghiệp, cộng đồng nguồn mở vẫn còn rất tự phát do thiếu bàn tay hỗ trợ của Nhà nước.
Cho dù đã có nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm được tổ chức nhằm tìm kiếm hướng đi cho sự phát triển của PMNM tại Việt Nam, song câu chuyện giúp đỡ, phối hợp với các doanh nghiệp để cùng “chung tay” phát triển PMNM thì vẫn chưa có động thái kết nối hiệu quả. Từ kinh nghiệm thực tế tham gia thị trường cung cấp PMNM, ông Tạ Quang Thái - Giám đốc Asianux (một doanh nghiệp trực thuộc Vietsoftware) cho rằng, hiện nhiều doanh nghiệp muốn tham gia vào sự phát triển PMNM nhưng họ không biết “gõ cửa” ở cơ quan nào để có thể tìm kiếm được sự hỗ trợ hoặc phối hợp từ phía Nhà nước. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Hùng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần phát triển nguồn mở Việt Nam (Vinades) cho biết chính doanh nghiệp này cũng muốn giúp Chính phủ triển khai PMNM tới các cơ quan nhà nước nhưng lại thực sự lúng túng không biết tìm sự hỗ trợ ở đâu.
Như vậy, để giải quyết được thực trạng nêu trên, thì trước hết Nhà nước phải có một cơ quan chuyên trách, có thể đứng ra làm đầu mối để có thể hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực PMNM. Đưa ra hướng gợi ý cụ thể, ông Lê Trung Nghĩa - Trưởng ban Thúc đẩy ứng dụng CNTT (Bộ KH&CN) nhấn mạnh: Bộ TT&TT với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực CNTT cần phải lập cơ quan chuyên trách để hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Đơn vị trực tiếp đứng ra đảm nhận có thể là Cục Ứng dụng CNTT.
Cùng đó, để đối tượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực PMNM còn non trẻ tại Việt Nam có cơ hội phát triển, tại Hội thảo các doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn sẽ nhận được sự hỗ trợ, khuyến khích cụ thể, thiết thực từ phía Nhà nước thông qua các chương trình, kế hoạch mua sắm phần mềm trong các cơ quan Nhà nước...
Tác giả: Phan Minh
Nguồn tin: http://www.ictnews.vn