QC huong dan su dung dauthau.info

Công ty VINADES góp ý Đề cương Luật Công nghiệp công nghệ số: Bổ sung nội dung quan trọng về dữ liệu mở!

Thứ hai, 29 Tháng M. một 2021 12:44 CH
Ngày 29/11/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia, các nhà quản lý về các chính sách trong Luật Công nghiệp công nghệ số. Công ty VINADES đã cử đại diện tham gia và trình bày góp ý về bản đề cương Luật tại Tọa đàm, nội dung chính công ty VINADES góp ý liên quan đến việc phát triển dữ liệu số, giá trị cho nền kinh tế số và tình trạng thực tế ở Việt Nam.
Toa dam de cuong Luat cong nghiep cong nghe so
Công ty VINADES góp ý Đề cương Luật Công nghiệp công nghệ số: Bổ sung nội dung quan trọng về dữ liệu mở!

Tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia, các nhà quản lý về các chính sách trong Luật Công nghiệp công nghệ số được Vụ Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại Khách sạn Công Đoàn (14 Trần Bình Trọng, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Nội dung chính của Tọa đàm là báo cáo tổng kết, các vướng mắc bất cập của Luật Công nghệ thông tin và lấy ý kiến về chính sách trong Luật Công nghiệp công nghệ số, thay thế các nội dung về phát triển công nghệ thông tin trong Luật công nghệ thông tin năm 2006, đồng thời bổ sung các quy định mới để phù hợp với thực tiễn phát triển.

Chủ trì Tọa đàm là bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông. Tọa đàm có sự góp mặt của nhiều chuyên gia trong ngành và nhiều đại diện của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như VNPT, Viettel, CMC,...

Phiên thảo luận của Tọa đàm đã diễn ra rất sôi nổi, ghi nhận rất nhiều ý kiến từ các doanh nghiệp về bản đề cương của Luật Công nghiệp công nghệ số. Đại diện của công ty VINADES tham dự Tọa đàm là ông Phạm Đức Tiến - CMO VINADES, cũng đã có phần trình bày góp ý về việc nên bổ sung thêm các nội dung quan trọng về dữ liệu mở trong bộ luật. Đề cương Luật có một chương riêng nói về việc phát triển dữ liệu số, tuy nhiên có thiếu sót rất lớn đó là không hề đề cập đến "dữ liệu mở".

Ông Phạm Đức Tiến, CMO VINADES, trình bày về góp ý của công ty cho Đề cương dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.
Ông Phạm Đức Tiến, Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần phát triển nguồn mở Việt Nam, trình bày về góp ý của công ty cho Đề cương dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.

Toàn văn góp ý của Công ty VINADES như sau:

Theo dự thảo đề cương chi tiết Luật Công nghiệp công nghệ số được cung cấp tại tọa đàm “Báo cáo tổng kết, các vướng mắc bất cập của Luật Công nghệ thông tin và lấy ý kiến về chính sách trong Luật Công nghiệp công nghệ số” diễn ra lúc 13h30 ngày 29/11/2021 tại Hà Nội Công ty cổ phần phát triển nguồn mở Việt Nam (Công ty VINADES) có các ý kiến góp ý với dự thảo luật tại Chương IV (Phát triển dữ liệu số) các nội dung như sau: 

1. Điều…. Phân loại dữ liệu số, khoản 1 (Phân loại dữ liệu chung) bổ sung “Dữ liệu mở” bên cạnh các nhóm Dữ liệu công khai/ Dữ liệu nội bộ/ Dữ liệu bí mật/ Dữ liệu hạn chế và khái niệm của từng loại dữ liệu số của cơ quan nhà nước.

2. Bổ sung thêm điều mới, quy định về giấy phép sử dụng và quyền tương ứng cho từng loại dữ liệu số của cơ quan nhà nước để doanh nghiệp và người dân dễ dàng sử dụng, khai thác dữ liệu số phát triển kinh tế số.

3. Bổ sung thêm điều mới, quy định việc thúc đẩy công khai dữ liệu số của cơ quan nhà nước, có lộ trình cấp phép dữ liệu mở rõ ràng. Ví dụ như việc yêu cầu tất cả các cơ quan nhà nước đều phải lập danh mục và phân loại dữ liệu số của cơ quan mình, đâu là dữ liệu công khai, đâu là dữ liệu mở. Từ đó sẽ tạo ra được hệ thống dữ liệu số mang tính hệ thống, phân loại chặt chẽ theo từng lĩnh vực, ngành nghề kèm theo các quyền để sử dụng dữ liệu đó. Điều này sẽ giúp thúc đẩy dữ liệu số phát triển và toàn dân có thể dễ dàng khai thác, ứng dụng dữ liệu số vào phát triển kinh tế.

Lý do của việc đề xuất ở trên:

1. Theo nhiều báo cáo, dữ liệu số của cơ quan nhà nước nếu được cấp phép dưới dạng dữ liệu mở sẽ tạo ra giá trị lớn cho việc phát triển kinh tế. Nói về lợi ích của dữ liệu mở có thể tóm tắt trong 1 câu phát biểu của GS Hồ Tú Bảo trong 1 bài phỏng vấn cuối năm 2018 trên Forbesvietnam: "Dữ liệu mở chính là động lực để các doanh nghiệp SMEs cũng như start-ups tham gia vào nền kinh tế số của Việt Nam", đây cũng là một ý trong Báo cáo Đánh giá Mức độ sẵn sàng về Chính phủ số và Dữ liệu Mở do Văn phòng chính phủ và World Bank VN thực hiện (Tháng 2/2019). 

Trên thế giới, các nước phát triển như Mỹ, Anh đã công bố chính sách về dữ liệu mở từ rất lâu. Năm 2009, Chính phủ Mỹ đã chính thức công bố dữ liệu mở của Chính phủ thông qua cổng dữ liệu Chính phủ (data.gov). Theo báo cáo của Ủy ban hạ tầng quốc gia Vương quốc Anh, việc công bố dữ liệu cho công chúng có thể giúp người sử dụng tiết kiệm thời gian tương đương giá trị từ 15 - 58 triệu bảng Anh mỗi năm. Việc chia sẻ dữ liệu có thể tạo nên lợi ích gia tăng thông qua các sáng kiến, giải pháp hỗ trợ di chuyển có giá trị khoảng 15 tỷ bảng Anh vào năm 2025 (tại Anh).

Các quốc gia ở châu Á cũng đã sớm công bố dữ liệu mở. Vào năm 2014, theo số liệu khảo sát của Đại học Waseda - Tokyo Nhật Bản, có 38 quốc gia đã cung cấp dữ liệu mở của Chính phủ để phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN) thông qua cổng dữ liệu Chính phủ. 

Tại Hàn Quốc, Chính phủ của họ đã triển khai xây dựng hệ thống dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở Chính phủ (OGD - Open Government Data). Hàn Quốc cũng là nước dẫn đầu trong số các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về tính khả dụng và khả năng tiếp cận của dữ liệu mở Chính phủ. Từ năm 2014 đến 2017, Hàn Quốc đã đẩy mạnh nhiều chương trình, chính sách để phát triển và ứng dụng dữ liệu mở chính phủ. Theo Báo cáo thị trường ngành công nghiệp dữ liệu do Cơ quan dữ liệu Hàn Quốc (KDA), thị trường dữ liệu Hàn Quốc đã tăng 14.304,7 tỷ won vào năm 2017, tăng 4,0% so với năm 2016. Mức tăng ổn định với tốc độ hàng năm là 7,5% kể từ năm 2010. Một ví dụ rất điển hình, Hệ thống mua sắm công của Chính phủ Hàn Quốc (truy cập tại địa chỉ: https://data.g2b.go.kr/) cho phép các tổ chức, doanh nghiệp kết nối API để khai thác miễn phí các thông tin mua sắm công trên Hệ thống, định dạng dữ liệu là XML và JSON đều là những định dạng phổ biến. Doanh nghiệp sẽ được khai thác miễn phí các thông tin thống kê về thị trường mua sắm công của Hàn Quốc, thông tin thống kê và các dịch vụ của nhiều thị trường mua sắm khác như Nara Market Place hay Nuri Market, những thị trường mua sắm khác tại Hàn Quốc bên cạnh mua sắm công. Quyền sử dụng các dữ liệu trên đều được quy định rất rõ ràng tại Luật Bản quyền của Hàn Quốc, cụ thể là toàn bộ các tài liệu trên Hệ thống mua sắm công của Hàn Quốc đều được sử dụng tự do mà không cần cho phép, riêng một số loại dữ liệu được sử dụng theo quy định của Giấy phép Chính phủ Mở Hàn Quốc (Korea Open Government License - KOGL).

Như vậy, chúng ta đã thấy được giá trị của dữ liệu mở Chính phủ, dữ liệu mở của cơ quan nhà nước với sự phát triển của nền kinh tế số, điển hình qua ví dụ của Nhật Bản và Hàn Quốc. Quyền sử dụng, quyền tiếp cận dữ liệu mở Chính phủ của họ đều được quy định rõ ràng trong Luật hoặc trong Giấy phép do Chính phủ ban hành. 

Đến nay, theo báo cáo đánh giá của Liên Hợp Quốc năm 2020, trên thế giới đã có 80% các nước đã xây dựng Cổng dữ liệu để cung cấp dữ liệu mở của Chính phủ để phục vụ người dân và DN. Việc cung cấp dữ liệu mở của Chính phủ đã trở thành một tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá Chính phủ điện tử của các quốc gia.

Chính vì vậy, trong bộ luật về Công nghiệp công nghệ số của Việt Nam cũng cần phải đề cập chi tiết về việc cấp phép mở cho “dữ liệu số của cơ quan nhà nước”. Mục tiêu chính của Luật là phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước; công nghệ số trở thành yếu tố đầu vào của hoạt động sản xuất, kinh doanh của xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nếu như bỏ sót nội dung liên quan đến dữ liệu số của Chính phủ thì sẽ là một điều đáng tiếc rất lớn và gián tiếp khiến cho các doanh nghiệp không dám khai thác và sử dụng nguồn dữ liệu giá trị này để tạo ra các sản phẩm phát triển kinh tế. 

2. Thực tế, thời gian qua chính Công ty VINADES đã gặp phải vướng mắc về việc khai thác và ứng dụng dữ liệu số của cơ quan nhà nước vào phát triển kinh tế. Cụ thể là trường hợp Phần mềm phân tích thông tin thầu - DauThau.info. Đây là hệ thống phần mềm khai thác và cung cấp thông tin mời thầu dành cho doanh nghiệp, được chúng tôi giới thiệu trên website www.dauthau.info. Phần mềm được ra đời theo lời kêu gọi của Chính phủ trong công cuộc chuyển đổi số & khởi nghiệp sáng tạo, chúng tôi đã tiên phong trong việc đưa các giải pháp khai thác dữ liệu mở & dữ liệu công khai của chính phủ vào để ứng dụng chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Phần mềm này tập trung vào việc sử dụng, phân tích và xử lý các dữ liệu, thông tin công khai về đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia của Bộ Kế hoạch và đầu tư, nhằm tạo ra những báo cáo có giá trị, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thông tin nhanh hơn, chính xác hơn và có giá trị hơn. Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh đó là dữ liệu về đấu thầu vốn được công khai theo Luật đấu thầu và được tiếp cận theo Luật tiếp cận thông tin có quyền hạn sử dụng như thế nào, có được tiếp cận bằng máy hay không. Ngay cả khi đã có Nghị định số 47/2020/NĐ-CP về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước thì việc áp dụng cũng gặp nhiều khó khăn. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương đã không duyệt hồ sơ thông báo website thương mại điện tử bán hàng www.dauthau.info vì họ cho rằng Phần mềm này tự ý truy cập, sử dụng dữ liệu mà chưa được sự chấp thuận của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, vi phạm Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 47/2020/NĐ-CP. Trong khi đó, Khoản 4 Điều 3 của Nghị định trên quy định về các nguyên tắc khi chia sẻ dữ liệu của cơ quan nhà nước cho tổ chức, cá nhân như sau:

“a) Tổ chức, cá nhân được quyền khai thác dữ liệu của mình hoặc dữ liệu của tổ chức, cá nhân khác khi được tổ chức, cá nhân đó chấp nhận, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác

b) Các trường hợp ngoài quy định tại điểm a khoản này, dữ liệu của cơ quan nhà nước được chia sẻ cho tổ chức, cá nhân được thực hiện theo quy định của Luật tiếp cận thông tin và các quy định pháp luật hiện hành”

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương đã áp dụng điểm a theo Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 47. Trong khi đó, dữ liệu đấu thầu vốn đã được công khai theo Luật đấu thầu từ trước đến nay thì giờ lại bị yêu cầu phải xin phép sử dụng. Nếu các vấn đề về quyền sử dụng dữ liệu không được quy định và làm rõ sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của nền kinh tế số. Về việc này chúng tôi sẽ có công văn riêng xin ý kiến của Bộ TT&TT. Trong khuôn khổ tọa đàm này xin phép không nêu thêm chi tiết.

Trên đây là trường hợp thực tế gặp vấn đề trong việc ứng dụng dữ liệu số để phát triển kinh tế của chính công ty VINADES. Chính vì vậy, công ty VINADES có góp ý tới Bộ Thông tin và Truyền thông về việc bổ sung thêm các nội dung chi tiết và rõ ràng hơn về dữ liệu số của cơ quan nhà nước, phân loại dữ liệu số và giấy phép sử dụng của từng loại trong bản đề cương Luật Công nghiệp công nghệ số./.

Trân trọng cảm ơn Quý cơ quan!

Mọi chi tiết xin liên hệ:
Công ty cổ phần phát triển nguồn mở Việt Nam 

  • Email: [email protected] 
  • Địa chỉ: Tầng 6, tòa nhà Sông Đà, Số 131 Trần Phú, Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội.
  • Người phụ trách: Mr. Phạm Đức Tiến (CMO) - Điện thoại: 0981.826.394 

Lưu ý: Kể từ tháng 1/2020, để đáp ứng với yêu cầu giãn cách xã hội chống dịch COVID-19, công ty chúng tôi làm việc từ xa/ online. Mọi trao đổi đề nghị quý vị liên lạc qua số điện thoại và email ở trên. Thư từ gửi tới văn phòng qua đường bưu điện hiện không có người tiếp nhận!

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Quang cao giua trang
Bạn đã không sử dụng site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây